I. Chương trình EPS đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc:
1. Điều kiện khi tham gia chương trình:
Để được đăng ký dự tuyển đi làm việc tại Hàn Quốc theo Luật cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc, người lao động Việt Nam phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
- Đủ 18 tuổi đến dưới 39 tuổi.
- Đã được kiểm tra và kết luận đủ sức khoẻ theo quy định tại Thông tư số 14/2013/TT-BYT ngày 06/5/2013 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn khám sức khỏe.
- Không có tiền án, tiền sự.
- Không thuộc diện bị cấm xuất cảnh Việt Nam.
- Không thuộc diện bị cấm nhập cảnh Hàn Quốc.
- Được doanh nghiệp Hàn Quốc sử dụng lao động lựa chọn sau khi tham dự và đạt yêu cầu qua kỳ thi tiếng Hàn do Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức.
2. Quy định khi tham gia chương trình:
a) Quy định về việc ký quỹ trước khi đi làm việc tại Hàn Quốc:
Theo Thông tư liên tịch số 31/2013/TTLT-BLĐTBXH-BTC ngày 12/11/2013 của Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Quyết định số 1465/QĐ-TTg ngày 21/8/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện thí điểm ký quỹ đối với người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc.
Mục đích: Để đảm bảo người lao động thực hiện đúng hợp đồng đã ký với Trung tâm Lao động ngoài nước về việc đưa người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS và hợp đồng đã ký với doanh nghiệp Hàn Quốc sử dụng lao động.
Mức tiền ký quỹ: 100.000.000 đồng (Một trăm triệu đồng)
Thời điểm ký quỹ: Người lao động thực hiện ký quỹ chậm nhất là 35 ngày kể từ ngày ký Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS với Trung tâm Lao động ngoài nước.
Thời hạn ký quỹ: 5 năm 4 tháng
Thủ tục ký quỹ:
- Người lao động ký Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS với Trung tâm Lao động ngoài nước.
- Người lao động phải thực hiện ký quỹ 100.000.000 đồng tại chi nhánh hoặc phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội tại địa bàn người lao động cư trú hợp pháp.
Trên cơ sở đó, Trung tâm Lao động ngoài nước sẽ thông báo cho doanh nghiệp Hàn Quốc sử dụng lao động về việc người lao động chấp thuận Hợp đồng lao động để doanh nghiệp làm thủ tục xin giấy phép cư trú cho người lao động.
Hoàn trả, xử lý tiền ký quỹ của người lao động:
- Hoàn trả tiền ký quỹ (gồm cả gốc và lãi) sau khi đã trừ các chi phí phát sinh (nếu có) cho người lao động: (1) về nước đúng thời hạn, (2) tử vong trong thời gian làm việc theo hợp đồng, (3) phải về nước trước thời hạn do điều kiện khách quan (thiên tai, ốm đau, tai nạn,...), (4) không xuất cảnh.
- Tiền ký quỹ (gồm cả gốc và lãi) được sử dụng để bù đắp thiệt hại phát sinh do lỗi của người lao động khi về nước trước thời hạn do vi phạm hợp đồng (nếu thừa sẽ trả lại cho người lao động; nếu thiếu, người lao động phải nộp bổ sung).
- Tiền ký quỹ (gồm cả gốc và lãi) được chuyển vào Quỹ giải quyết việc làm của tỉnh/thành phố đối với các trường hợp sau: người lao động bỏ trốn khỏi nơi làm việc theo hợp đồng hoặc hết hạn hợp đồng không về nước đúng hạn, ở lại làm việc và cư trú trái phép tại Hàn Quốc.
Trường hợp người lao động vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để ký quỹ thì tiền ký quỹ (gồm cả gốc và lãi) sẽ được sử dụng để trả khoản vay ngân hàng.
b) Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng:
Theo Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22/8/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng:
- Người lao động bị phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, buộc phải về nước, không được đi làm việc tại nước ngoài trong thời gian 2 năm đối với các trường hợp sau:
+ Ở lại nước ngoài trái phép sau khi hết hạn hợp đồng lao động, hết hạn cư trú
+ Bỏ trốn khỏi nơi đang làm việc theo hợp đồng.
- Người lao động bị phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, buộc phải về nước, không được đi làm việc tại nước ngoài trong thời gian 5 năm đối với các trường hợp sau:
+ Sau khi nhập cảnh nước tiếp nhận lao động mà không đến nơi làm việc theo hợp đồng.
+ Lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc, lừa gạt người lao động Việt Nam ở lại nước ngoài trái quy định.
2. Theo Thông tư liên tịch số 32/2013/TTLT-BLĐTBXH-BNG ngày 6/12/2013 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bộ Ngoại giao hướng dẫn trình tự, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm quy định tại Điểm a, Điểm b và Điểm c Khoản 2, Điều 35 Nghị định 95/2013/NĐ-CP ngày 22/8/2013 của Chính phủ.
- Cơ quan có thẩm quyền cấp xã/phường nơi người lao động bị xử phạt vi phạm hành chính cư trú không được xác nhận hồ sơ cho người đó để đi làm việc tại nước ngoài trong thời hạn đã ghi tại quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
- Trong trường hợp người lao động bị xử phạt không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong thời gian quy định thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố nơi người lao động cư trú sẽ ra quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
3. Quyền và Nghĩa vụ
a) Quyền lợi của người lao động:
- Được Trung tâm Lao động ngoài nước, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh/thành phố nơi người lao động đăng ký dự tuyển cung cấp đầy đủ thông tin về Chương trình EPS.
- Được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cần thiết và bổ túc tiếng Hàn; cung cấp thông tin về chính sách, pháp luật, phong tục tập quán của Việt Nam và Hàn Quốc trước khi đi làm việc tại Hàn Quốc.
- Được Trung tâm Lao động ngoài nước thông báo về thời gian, địa điểm xuất cảnh bằng văn bản.
- Được hưởng tiền lương, thu nhập và các chế độ khác quy định trong Hợp đồng lao động ký với doanh nghiệp Hàn Quốc sử dụng lao động và quy định chung của Chương trình EPS.
Tiền lương do doanh nghiệp Hàn Quốc trả cho người lao động là tiền lương cơ bản, tiền lương cơ bản thấp nhất phải bằng mức tiền lương tối thiểu do Chính phủ Hàn Quốc quy định. Tiền lương tối thiều do Chính phủ Hàn Quốc quy định áp dụng từ ngày 01/01/2015 là 5.580 won/giờ; tương ứng là 44.640 won/ngày (ngày làm việc 8 giờ). Tiền lương tối thiểu có thể được điều chỉnh hàng năm căn cứ vào các chỉ số tăng trưởng của nền kinh tế.
- Được Trung tâm Lao động ngoài nước đưa đi, Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trong thời gian làm việc tại Hàn Quốc; được tư vấn, hỗ trợ để hưởng các quyền lợi trong Hợp đồng lao động đã ký với doanh nghiệp Hàn Quốc sử dụng lao động.
- Được hưởng quyền lợi từ Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước theo quy định và các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật.
b) Nghĩa vụ của người lao động
- Người lao động phải nộp các khoản tiền sau đây:
+ Khoản tiền Việt Nam tương đương 630 USD bao gồm: tiền vé máy bay một chiều từ Việt Nam đến Hàn Quốc, lệ phí cấp visa, chi phí tuyển chọn, chi phí đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cần thiết, các chi phí khác liên quan trực tiếp đến việc đưa người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc.
+ Học phí bổ túc tiếng Hàn: 2.400.000 đồng/người/khóa (đối với người lao động hết hạn hợp đồng về nước đúng hạn và người lao động mẫu mực không có khoản chi phí này).
+ Đóng góp Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước: 100.000 đồng/người.
+ Chi phí mua trang phục: theo quy định.
+ Chi phí tổ chức xuất cảnh: theo quy định.
Người lao động nộp các khoản tiền trên cho Trung tâm Lao động ngoài nước để trang trải các chi phí thực hiện việc đưa người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc và không hoàn trả nếu người lao động đã được xuất cảnh sang Hàn Quốc.
Trung tâm Lao động ngoài nước chỉ hoàn trả tiền cho người lao động sau khi khấu trừ các khoản chi phí hợp lý đã thanh toán trong các trường hợp như sau: Trung tâm Lao động ngoài nước không đưa được người lao động sang làm việc tại Hàn Quốc; người lao động không còn nguyện vọng đi làm việc tại Hàn Quốc hoặc người lao động không đủ điều kiện đi làm việc tại Hàn Quốc.
c) Người lao động thực hiện ký quỹ như sau:
- Mức ký quỹ: 100.000.000 đồng (Một trăm triệu đồng)
- Thời hạn ký quỹ: 5 năm 4 tháng.
- Nơi ký quỹ: Chi nhánh hoặc phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội nơi người lao động cư trú hợp pháp.
- Thời điểm hoàn thành việc ký quỹ: người lao động phải hoàn thành việc ký quỹ chậm nhất là 35 ngày, kể từ ngày ký Hợp đồng đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS với Trung tâm Lao động ngoài nước.
- Ngay sau khi ký quỹ, người lao động phải nộp cho Trung tâm Lao động ngoài nước 01 bản Giấy xác nhận đã nộp tiền ký quỹ do Ngân hàng Chính sách xã hội cấp nơi người lao động ký quỹ để Trung tâm Lao động ngoài nước làm căn cứ thông báo với doanh nghiệp Hàn Quốc sử dụng lao động về việc người lao động đã đồng ý thực hiện hợp đồng và tiến hành các thủ tiếp theo.
- Hoàn thiện đầy đủ hồ sơ đi làm việc tại Hàn Quốc theo quy định của Chương trình EPS.
- Tham gia khóa đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cần thiết và bổ túc tiếng Hàn do Trung tâm Lao động ngoài nước tổ chức.
- Tuân thủ pháp luật Việt Nam và pháp luật Hàn Quốc; thực hiện đúng hợp đồng lao động đã ký với doanh nghiệp Hàn Quốc sử dụng lao động, không được vi phạm hợp đồng lao động, bỏ trốn khỏi nơi đang làm việc theo hợp đồng lao động và cư trú trái phép sau khi hết hạn hợp đồng lao động.
- Tham gia đầy đủ các loại hình bảo hiểm theo quy định của Hàn Quốc đối với người lao động nước ngoài làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS.
- Khai báo bằng văn bản (nhấn vào để tải mẫu) với Văn phòng Quản lý lao động Việt Nam theo chương trình EPS trực thuộc Trung tâm Lao động ngoài nước tại Hàn Quốc trong các trường hợp sau: người lao động được gia hạn thời gian làm việc theo Hợp đồng lao động; người lao động chuyển đổi nơi làm việc hợp pháp; người lao động chấm dứt hợp đồng trước thời hạn với doanh nghiệp Hàn Quốc vì các lý do khác nhau...
Thời hạn khai báo: Người lao động phải thực hiện việc khai báo trong vòng 30 ngày, kể từ ngày được ký gia hạn Hợp đồng lao động hoặc ngày hoàn thành thủ tục chuyển đổi nơi làm việc hoặc ngày chấm dứt hợp đồng lao động.
Nếu không thông báo, người lao động phải chịu trách nhiệm về việc Văn phòng Quản lý lao động Việt Nam theo Chương trình EPS tại Hàn Quốc không xác nhận việc hoàn thành hợp đồng lao động hoặc chấm dứt hợp đồng một cách hợp pháp để tất toán tài khoản ký quỹ sau khi về nước.
- Địa chỉ Văn phòng: Tầng 8, tòa nhà Golden Bridge, số 222, Chungjeongno3ga, Seodeaemun-gu, Seoul, Korea.
- Số điện thoại: 0082 - 23936868 ; Fax: 0082 - 23936888
- Người lao động phải về nước đúng thời hạn sau khi hết hạn hợp đồng lao động với doanh nghiệp Hàn Quốc sử dụng lao động.
- Người lao động phải bồi thường cho Trung tâm Lao động ngoài nước, doanh nghiệp Hàn Quốc sử dụng lao động nếu có các hành vi vi phạm hợp đồng lao động, vi phạm pháp luật Việt Nam và pháp luật Hàn Quốc gây thiệt hại cho Trung tâm Lao động ngoài nước và doanh nghiệp Hàn Quốc sử dụng lao động.
4. Các quy định về tài chính
4.1. Các khoản chi phí phải nộp khi tham gia chương trình EPS bao gồm:
a. Lệ phí đăng ký thi tiếng Hàn:
Người lao động có nhu cầu tham gia đăng ký dự tuyển chương trình EPS đều phải vượt qua kỳ thi tiếng Hàn do Trung tâm Lao động ngoài nước phối hợp với Tổ chức phát triển nhân lực Hàn Quốc (HRD Korea) tổ chức.
Để đăng ký dự thi, người lao động nộp lệ phí thi với số tiền VNĐ tương đương 24 Đôla Mỹ/người (Trung tâm Lao động ngoài nước sẽ thông báo số tiền cụ thể tại thời điểm tổ chức tiếp nhận đăng ký của từng đợt thi).
b. Các chi phí phải nộp sau khi đạt yêu cầu của kỳ thi tiếng Hàn.
- Đối với những người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS thông qua Sở Lao động – Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
+ Mua hồ sơ đăng ký dự tuyển tham gia chương trình: 35.000đ/bộ (nộp tại Sở Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Trung tâm dịch vụ việc làm tại địa phương nơi người lao động cư trú hợp pháp)
+ Các chi phí làm visa, vé máy bay và chi phí tuyển chọn, xử lý, quản lý hồ sơ của người lao động, tổ chức khóa bồi dưỡng kiến thức cần thiết trước khi xuất cảnh, chi phí thực hiện các thủ tục trước khi xuất cảnh: số tiền VNĐ tương đương 630 Đôla Mỹ theo tỷ giá của NH Ngoại thương Việt Nam tại thời điểm nộp tiền.
Sau khi có thông báo của Trung tâm Lao động ngoài nước về việc được doanh nghiệp Hàn Quốc lựa chọn, người lao động nộp số tiền này tại Sở Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Trung tâm dịch vụ việc làm tại địa phương nơi người lao động cư trú hợp pháp.
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Trung tâm dịch vụ việc làm tại địa phương được giữ lại số tiền VNĐ tương đương 30 Đôla Mỹ/người để trang trải các chi phí hành chính; đồng thời chuyển số tiền VNĐ còn lại tương đương 600 Đôla Mỹ/người về Trung tâm Lao động ngoài nước trong vòng 10 ngày kể từ ngày nhận được thông báo.
+ Tiền ký quỹ tại Ngân hàng Chính sách xã hội: 100.000.000đ nộp tại Ngân hàng Chính sách xã hội nơi người lao động cư trú hợp pháp trong thời gian 07 ngày kể từ ngày nhận được “Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc” và “Hợp đồng lao động giữa doanh nghiệp Hàn Quốc sử dụng lao động và người lao động”.
Ngay sau khi hoàn thành xong thủ tục ký quỹ, người lao động fax Giấy xác nhận ký quỹ về cho Trung tâm Lao động ngoài nước theo số máy 04.37737384 và thông báo bằng điện thoại theo số máy 04.37379058.
Người lao động nộp lại Bản chính Giấy xác nhận ký quỹ tại nơi tập trung để làm các thủ tục xuất cảnh sang làm việc tại Hàn Quốc.
- Đối với những người lao động hết hạn hợp đồng lao động, về nước đúng hạn vượt qua kỳ thi tiếng Hàn trên máy tính được tổ chức hàng quý:
+ Mua hồ sơ đăng ký dự tuyển tham gia chương trình: 60.000đ/bộ (bao gồm tiền mua hồ sơ và cước phí chuyển phát nhanh hồ sơ qua bưu điện về địa chỉ của người lao động).
+ Tiền ký quỹ tại Ngân hàng Chính sách xã hội: 100.000.000đ nộp tại Ngân hàng Chính sách xã hội nơi người lao động cư trú hợp pháp trong thời gian 07 ngày kể từ ngày nhận được “Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc” và “Hợp đồng lao động giữa doanh nghiệp Hàn Quốc sử dụng lao động và người lao động”.
Ngay sau khi hoàn thành xong thủ tục ký quỹ, người lao động fax Giấy xác nhận ký quỹ về cho Trung tâm Lao động ngoài nước theo số máy 04.37737384 và thông báo bằng điện thoại theo số máy 04.37379058.
Người lao động nộp lại Bản chính Giấy xác nhận ký quỹ tại nơi tập trung để làm các thủ tục xuất cảnh sang làm việc tại Hàn Quốc.
+ Các chi phí làm visa, vé máy bay và chi phí tuyển chọn, xử lý, quản lý hồ sơ của người lao động, tổ chức khóa bồi dưỡng kiến thức cần thiết trước khi xuất cảnh, chi phí thực hiện các thủ tục trước khi xuất cảnh: số tiền VNĐ tương đương 630 USD theo tỷ giá của NH Ngoại thương Việt Nam tại thời điểm nộp tiền.
Sau khi có thông báo của Trung tâm Lao động ngoài nước về việc tập trung để hướng dẫn các thủ tục cần thiết trước khi đi làm việc tại Hàn Quốc, người lao động nộp số tiền này tại nơi tập trung.
- Đối với người lao động thuộc diện lao động mẫu mực quay trở lại Hàn Quốc làm việc:
+ Mua hồ sơ đăng ký dự tuyển tham gia chương trình: 35.000đ/bộ, nộp tiền và nhận hồ sơ trực tiếp tại Trung tâm Lao động ngoài nước.
+ Các chi phí làm visa, vé máy bay và chi phí tuyển chọn, xử lý, quản lý hồ sơ của người lao động, tổ chức khóa bồi dưỡng kiến thức cần thiết trước khi xuất cảnh, chi phí thực hiện các thủ tục trước khi xuất cảnh: số tiền VNĐ tương đương 630 USD theo tỷ giá của NH Ngoại thương Việt Nam tại thời điểm nộp tiền.
Người lao động nộp trực tiếp khoản tiền này tại Trung tâm Lao động ngoài nước.
+ Tiền ký quỹ tại Ngân hàng Chính sách xã hội: 100.000.000đ nộp tại Ngân hàng Chính sách xã hội nơi người lao động cư trú hợp pháp trong thời gian 07 ngày kể từ ngày nhận được “Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc” và “Hợp đồng lao động giữa doanh nghiệp Hàn Quốc sử dụng lao động và người lao động”.
Ngay sau khi hoàn thành xong thủ tục ký quỹ, người lao động fax Giấy xác nhận ký quỹ về cho Trung tâm Lao động ngoài nước theo số máy 04.37737384 và thông báo bằng điện thoại theo số máy 04.37379058.
Người lao động nộp lại Bản chính Giấy xác nhận ký quỹ tại nơi tập trung để làm các thủ tục xuất cảnh sang làm việc tại Hàn Quốc.
5. Thủ tục rút tiền và tất toán tiền ký quỹ
Để nhận lại các khoản tiền đã nộp và tất toán, rút khoản tiền ký quỹ, người lao động cần làm theo các bước như sau:
a. Đối với những người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS thông qua Sở Lao động – Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
- Người lao động viết đơn xin rút tiền, trong đơn nêu rõ lí do xin dừng chương trình và nội dung các khoản tiền xin rút lại, cung cấp thông tin tài khoản nhận tiền, tên chủ tài khoản, ngân hàng nhận tiền (yêu cầu ghi rõ tên chi nhánh), đồng thời xin xác nhận của UBND xã/phường nơi cư trú hợp pháp. Sau khi có xác nhận của UBND xã/phường, người lao động gửi đơn về Sở Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Trung tâm dịch vụ việc làm địa phương nơi nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển đi làm việc tại Hàn Quốc.
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Trung tâm dịch vụ việc làm địa phương có trách nhiệm gửi công văn đề nghị Trung tâm Lao động ngoài nước. Sau khi tiếp nhận và xử lý:
+ Trung tâm sẽ làm thủ tục để chuyển trả cho người lao động theo tài khoản đã được cung cấp số tiền VNĐ tương đương còn lại đối với khoản 600 Đôla Mỹ sau khi trừ đi các khoản chi phí cần thiết đã sử dụng.
+ Đối với khoản tiền ký quỹ: Trung tâm sẽ gửi công văn thông báo danh sách những người lao động đề nghị tất toán tài khoản ký quỹ cho Hội sở chính Ngân hàng chính sách xã hội. Sau đó, người lao động đến Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội tại địa phương nơi người lao động đã ký quỹ để thực hiện việc nhận lại khoản tiền ký quỹ.
b. Đối với những người lao động hết hạn hợp đồng lao động, về nước đúng hạn vượt qua kỳ thi tiếng Hàn trên máy tính được tổ chức hàng quý và người lao động thuộc diện lao động mẫu mực quay trở lại Hàn Quốc làm việc:
- Người lao động viết đơn xin rút tiền, trong đơn nêu rõ lí do xin dừng chương trình và nội dung các khoản tiền xin rút lại, cung cấp thông tin tài khoản nhận tiền, tên chủ tài khoản, ngân hàng nhận tiền (yêu cầu ghi rõ tên chi nhánh), đồng thời xin xác nhận của chính quyền địa phương nơi cư trú hợp pháp.
- Sau khi có xác nhận của chính quyền địa phương, người lao động gửi đơn về Trung tâm Lao động ngoài nước theo địa chỉ: Số 1, Trịnh Hoài Đức, Đống Đa, Hà Nội
Sau khi tiếp nhận và xử lý:
+ Trung tâm sẽ làm thủ tục để chuyển trả cho người lao động theo tài khoản đã được cung cấp số tiền VNĐ tương đương còn lại đối với khoản 630 Đôla Mỹ sau khi trừ đi các khoản chi phí cần thiết đã sử dụng.
+ Đối với khoản tiền ký quỹ: Trung tâm sẽ gửi công văn thông báo danh sách những người lao động đề nghị tất toán tài khoản ký quỹ cho Hội sở chính Ngân hàng chính sách xã hội. Sau đó, người lao động đến Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội tại địa phương nơi người lao động đã ký quỹ để thực hiện việc nhận lại khoản tiền ký quỹ.
II. Chương trình EPA đi làm việc tại Nhật Bản
Cục Quản lý lao động ngoài nước thông báo tuyển chọn ứng viên điều dưỡng, hộ lý (nhân viên chăm sóc) năm 2024 với số lượng 180 người, cụ thể như sau:
1. Giới thiệu về chương trình:
Đây là chương trình phi lợi nhuận giúp cho những người tốt nghiệp chuyên ngành điều dưỡng có nguyện vọng được sang làm việc tại Nhật Bản.
Các ứng viên đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định nếu được tuyển chọn sẽ tham gia khóa đào tạo tiếng Nhật miễn phí 12 tháng tại cơ sở đào tạo do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với đơn vị đầu mối phía Nhật Bản tổ chức (sau đây được gọi là "Khóa đào tạo tiếng Nhật"). Trong thời gian đào tạo, học viên sẽ được cung cấp miễn phí chỗ ở nội trú, bữa ăn và được hỗ trợ tiền sinh hoạt phí. Kết thúc khóa học, ứng viên sẽ tham gia kỳ thi chứng chi năng lực tiếng Nhật cấp độ N3.
Cục Quản lý lao động ngoài nước phối hợp với đơn vị đầu mối phía Nhật Bản sẽ giới thiệu những người đạt được cấp độ N3 kỳ thi năng lực tiếng Nhật cho các bệnh viện và cơ sở chăm sóc sức khỏe của Nhật Bản có nhu cầu tuyển dụng ứng viên điều dưỡng và hộ lý để lựa chọn.
2. Vị trí tuyển chọn:
- Ứng viên điều dưỡng: là những người sẽ tạm trú ở Nhật Bàn 03 năm (mỗi năm gia hạn một lần) và thực hiện công việc hỗ trợ điều dưỡng tại bệnh viện nhằm đạt được chứng chỉ điều dưỡng viên để có thể làm việc lâu dài tại Nhật Bản.
- Ứng viên hộ lý: là những người sẽ tạm trú ở Nhật Bản 04 năm (mỗi năm gia hạn một lần) và tham gia cung cấp dịch vụ hộ lý tại cơ sở chăm sóc sức khỏe nhằm đạt được chứng chỉ hộ lý để có thể làm việc lâu dài tại Nhật Bản.
Những người được lựa chọn sẽ được sang Nhật Bản vừa học vừa làm với thời gian tối da 03 năm đối với ứng viên điều dưỡng (mỗi năm gia hạn một lần) và tối đa 04 năm đối với ứng viên hộ lý (mỗi năm gia hạn một lần). Trong thời gian vừa học vừa làm tại Nhật Bản, các ứng viên được phép dự kỳ thi cấp Chứng chỉ quốc gia Nhật Bản về điều dưỡng viên và hộ lý. Ứng viên điều dưỡng được dự thi mỗi năm một lần, ứng viên hộ lý được dự thi một lần vào năm thứ 04. Nếu đỗ, các ứng viên sẽ được cấp Chứng chỉ quốc gia điều dưỡng viên, hộ lý Nhật Bản và được phép ở lại làm việc dài hạn tại Nhật Bản.
3. Công việc cụ thể của các ứng viên điều dưỡng, hộ lý tại Nhật Bản:
a) Công việc cụ thể của ứng viên điều dưỡng bao gồm:
Các công việc ở vị trí ứng viên điều dưỡng bao gồm:
- Chăm sóc sinh hoạt thường ngày của người bệnh;
- Chăm sóc theo tình trạng bệnh;
- Cho bệnh nhân ăn;
- Khác:
+ Vận chuyên bệnh nhân;
+ Vận chuyển các mẫu, kết quả xét nghiệm, các loại đơn, phiếu;
+ Tiếp nhận thuốc;
+ Làm vệ sinh phòng bệnh, dụng cụ y tế, vệ sinh dụng cụ vệ sinh, tiêu độc, dọn dẹp;
+ Mang trà, mang cơm và dọn khay cơm;
+ Công việc khác được giao.
b. Công việc cụ thê của ứng viên hộ lý bao gồm:
- Giao tiếp, tạo dựng quan hệ, tư vấn cho người già, người bệnh cần được chăm sóc;
- Quan sát tình trạng tinh thần, sức khỏe của người già, người bệnh;
- Hỗ trợ sinh hoạt thường ngày tuy theo tình trạng tinh thần và sức khỏe của người giả, người bệnh như hỗ trợ di chuyển, tắm, thay đồ, ăn uống, vệ sinh...
- Hỗ trợ duy trì và mở rộng quan hệ xã hội (hỗ trợ hoạt động vui chơi giải trí phục hôi chức năng ...);
- Ghi chép nội dung hỗ trợ và thông báo cho nhân viên khác biết;
- Công việc khác được giao.
4. Mức lương của ứng viên điều dưỡng, hộ lý tại Nhật Bản:
+ Mức lương của ứng viên điều dưỡng, hộ lý tại Nhật Bản sẽ theo quy định của pháp luật Nhật Bản. Tuy nhiên, mức lương thông thường của ứng viên điều dưỡng, hộ lý như sau:
- Ứng viên điều dưỡng: 160.000 - 190.000 Yên/tháng (thu nhập bình quân khoảng 235.000 Yên/tháng, bao gồm các khoản phụ cấp, tiền thưởng, v.v.);
- Ứng viên hộ lý: 180.000 - 200.000 Yên/tháng (thu nhập bình quân khoảng 291.000 Yên/tháng, bao gồm các khoản phụ cấp, tiền thưởng, v.v.).
Mức lương trên có thể thay đổi tùy theo cơ sở tiếp nhận và được chi trả cho ứng viên phù hợp với quy định của pháp luật Nhật Bản.
Ngoài mức lương trên, thông thường ứng viên sẽ được nhận các khoản phụ cấp tương ứng với thành tích công việc.
5. Yêu cầu đối với ứng viên điều dưỡng, hộ lý tại Nhật Bản:
Công dân Việt Nam có nguyện vọng đăng ký tham gia chương trình phải đáp ứng được các điều kiện sau:
- Đối với ứng viên hộ lý:
+ Tốt nghiệp cao đẳng điều dưỡng, điều dưỡng đa khoa (3 năm) hoặc cử nhân điều dưỡng, điều dưỡng đa khoa (04 năm).
+ Độ tuổi: không quá 35 tuổi (ngày sinh từ 01/01/1988 trở đi)
+ Đủ điều kiện về sức khỏe do cơ quan chức năng có thẩm quyền xác nhận;
+ Không có tiền án, tiền sự hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật Việt Nam.
+ Có nguyện vọng được tham gia chương trình và có thể tham gia khóa đào tạo tiếng Nhật.
- Đối với ứng viên điều dưỡng:
Ngoài những tiêu chí nêu trên đối với ứng viên hộ lý, ứng viên điều dưỡng phải có thêm các điều kiện sau:
+ Được cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh.
+ Có ít nhất 02 năm kinh nghiệm làm công tác điều dưỡng (bao gồm cả thời gian tập sự 09 tháng để được cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh).
6. Hồ sơ đăng ký tham gia chương trình:
Ứng viên đủ tiêu chuẩn nộp hồ sơ đăng ký tham gia chương trình tại Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội). Ứng viên chịu trách nhiệm trước pháp luật về hồ sơ tham gia chương trình. Hồ sơ bao gồm:
- Đơn đăng ký và cam kết tham gia Chương trình (đăng tải trên trang web www.dolab.gov.vn);
- Sơ yếu lý lịch của ứng viên có xác nhận của cơ quan chủ quản nơi người đăng ký đang làm việc hoặc của chính quyền địa phương nơi ứng viên đang cư trú (đăng tải trên trang web www.dolab.gov.vn);
- Bản sao bằng tốt nghiệp cử nhân điều dưỡng, điều dưỡng đa khoa hoặc cao đẳng điều dưỡng, điều dưỡng đa khoa có công chứng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (trường hợp chưa có bằng tốt nghiệp có thể nộp trước bản sao công chứng Giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời). Các ứng viên xuất trình bản gốc vào ngày dự tuyển để đối chiếu;
- Giấy chứng nhận sức khỏe cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài do các bệnh viên được Bộ Y tế công nhận đủ điều kiện khám và chứng nhận sức khỏe cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài hướng dẫn tại Thông tư số 14/2013/TT-BYT (Theo mẫu quy định tại Thông tư). Đề nghị nộp kèm phiếu xét nghiệm Lao, Đờm, Viêm gan B, Giang mai, và HIV;
- Bản sao chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh có công chứng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (đối với vị trí ứng viên điều dưỡng):
- Giấy xác nhận của các cơ sở khám chữa bệnh chứng minh ứng viên có ít nhất 02 năm kinh nghiệm làm công tác điều đưỡng (bao gồm cả thời gian tập sự 09 tháng đề lấy chứng chỉ hành nghề Khám bềnh chữa bệnh) (đổi với vị trí ứng viên điều dưỡng):
- 04 ảnh cỡ 4cm x 6cm (nền trắng, chụp trong vòng 06 tháng) và 02 phong bì thư đã dán tem, ghi rõ họ tên, địa chỉ, số điện thoại người nhận (địa chỉ người nhận là địa chỉ của ứng viên).
7. Thời gian và địa điểm nhận hồ sơ:
a) Ứng viên nộp hồ sơ trực tiếp tại Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) hoặc qua đường bưu điện theo địa chỉ sau:
Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương bình và Xã hội)
Địa chi: số 41B, Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội
- Khai đăng ký online tại đường link sau: https://forms.gle/UsLhMejZyQsKmDoC8
b) Thời gian: từ ngày 6/5/2024 đến ngày 31/10/2024 (trừ Thứ 7, Chủ Nhật và ngày lễ)
Buổi sáng: từ 8h30' đến 11h30'
Buổi chiều: từ 14h00' đến 16h30'
Đối với hồ sơ đăng ký gửi qua đường bưu điện sẽ được tính theo dấu bưu điện.
Ghi chú:
+ Hồ sơ dự tuyển được đựng trong túi hồ sơ ghi rõ họ tên, danh mục hồ sơ nộp số điện thoại trực tiếp liên lạc (số điện thoại không nên thay đổi trong suốt thời gian từ khi đăng ký đến khi báo kết quả).
+ Cục Quản lý lao động ngoài nước không nhận hồ sơ nộp hộ, hồ sợ nộp quá hạn và hồ sơ đã nhận không trả lại.
+ Người đăng ký tham gia phải đăng ký vị trí cụ thể là ứng viên điều dưỡng hay hộ lý.
+ Cục Quản lý lao động ngoài nước sẽ xác minh hồ sơ của ứng viên. Ứng viên có hồ sơ hợp lệ, đạt tiêu chuẩn sẽ được mời tham gia thi tuyển và phỏng vấn.
Hồ sơ không hợp lệ là hồ sơ nộp không đúng hạn, không đầy đủ các giấy tờ theo quy định tại mục 6 của thông báo, giấy chứng nhận sức khỏe sai mẫu hoặc không đủ các phần xét nghiệm theo quy định, thiếu phong bì, thiếu tem, không ghi địa chỉ,v.v... hoặc giả mạo các giấy tờ và thông tin
+ Thời gian và địa điểm thi tuyển sẽ được thông báo trên trang thông tin điện tử của Cục Quản lý lao động ngoài nước và qua đường bưu điện đối với các ứng viên có hồ sơ hợp lệ. Ứng viên kiểm tra danh sách được tham gia thi tuyển trên trang thông tin điện tử của Cục Quản lý lao động ngoài nước (www.dolab.gov.vn) (không thông báo qua điện thoại)
8. Thông báo kết quả tham gia chương trình:
Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) sẽ thông báo danh sách ứng viên trúng tuyển tham gia khóa đào tạo tiếng Nhật trên trang thông tin điện tử của Cục Quản lý lao động ngoài nước (www.dolab.gov.vn).
Thông báo trúng tuyển và thủ tục nhập học sẽ được thông báo qua bưu điện đến địa chi ứng viên đã cung cấp.
Ứng viên cần tìm hiểu thêm thông tin có thể liên hệ trực tiếp với Cục Quản lý lao động ngoài nước theo số điện thoại 04.3936.6633 hoặc 04-3824-9517 (số máy lẻ 513, 611).
III. Chương trình IM JAPAN đi làm việc tại Nhật Bản
Thực hiện Bản ghi nhớ giữa Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Tổ chức phát triển nhân lực quốc tế Nhật Bản (gọi tắt là Tổ chức IM Japan) về Chương trình đào tạo thực tập kỹ thuật cho thực tập sinh Việt Nam tại Nhật Bản, Trung tâm Lao động ngoài nước thông báo kế hoạch tuyển chọn thực tập sinh Đợt 3/2024, cụ thể như sau:
1. Thông tin chung
1.1. Phạm vi tuyển chọn: Toàn quốc
1.2. Các ngành tuyển chọn: Sản xuất chế tạo và xây dựng
1.3. Chỉ tiêu tuyển chọn: Không giới hạn số lượng
Ứng viên được lựa chọn ngành thực tập là sản xuất chế tạo hoặc xây dựng theo nguyện vọng cá nhân ngay từ khi nộp Hồ sơ đăng ký dự tuyển và không được phép thay đổi ngành nghề khi đã trúng tuyển.
1.4. Thời gian tiếp nhận hồ sơ: từ ngày 15/7/2024 đến ngày 30/9/2024 (đối với ứng viên nộp hồ sơ qua đường bưu điện, sẽ tính theo dấu bưu điện của ngày ứng viên nộp hồ sơ).
1.5. Thời gian thực tập tại Nhật Bản: từ 3 – 5 năm
1.6. Thời gian tổ chức thi tuyển: Dự kiến 01 tháng/đợt thi tuyển. Trung tâm Lao động ngoài nước sẽ có thông báo thời gian tổ chức cụ thể tới ứng viên theo thứ tự thời gian người lao động nộp hồ sơ, ứng viên đã nộp hồ sơ được bố trí lần lượt vào các đợt thi.
1.7. Cơ quan tổ chức kỳ thi:
- Trung tâm Lao động ngoài nước là cơ quan duy nhất được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội giao phối hợp với Tổ chức IM Japan tổ chức thi tuyển.
- Tổ chức IM Japan giao Văn phòng IM Japan tại Việt Nam phối hợp cùng Trung tâm Lao động ngoài nước tổ chức kỳ thi. Môn thi Toán do Văn phòng IM Japan tại Việt Nam chịu trách nhiệm quản lý đề thi, bài thi.
2. Điều kiện đăng ký dự tuyển
- Nam giới, từ 18 đến 30 tuổi (sinh trong khoảng thời gian từ năm 1994 đến năm 2006).
- Tốt nghiệp Trung học phổ thông hoặc tương đương trở lên;
- Chiều cao từ 1m58 trở lên, cân nặng phù hợp với chiều cao;
- Không xăm mình (kể cả hình xăm đã xóa); không bị dị tật; không có sẹo ảnh hưởng đến khả năng vận động; thị lực 2 mắt khi không đeo kính đạt từ 1/10 trở lên và khi có đeo kính đạt từ 7/10 trở lên, không bị nhược thị, rối loạn sắc giác;
- Có đủ sức khỏe để đi làm việc ở nước ngoài;
- Có đạo đức tốt, ý thức kỷ luật tốt, không có tiền án;
- Chưa từng tham gia các chương trình đào tạo thực tập sinh của Nhật Bản;
- Chưa từng cư trú và làm việc bất hợp pháp tại nước ngoài.
3. Nội dung thi tuyển
- Vòng 1: Thi Toán (tổng số câu hỏi: 20 câu, thời gian làm bài: 45 phút, tổng điểm tối đa: 100 điểm).
+ Điểm đạt yêu cầu đối với ứng viên lựa chọn thực tập trong ngành sản xuất chế tạo từ 60 điểm trở lên.
+ Điểm đạt yêu cầu đối với ứng viên lựa chọn thực tập trong ngành xây dựng từ 40 điểm trở lên.
Chỉ những người đạt yêu cầu của Vòng 1 mới được thi các vòng tiếp theo.
- Vòng 2: Kiểm tra thân thể, thị lực, sắc giác và thi thể lực
+ Tiêu chuẩn đạt yêu cầu đối với ứng viên: chống đẩy 35 lần, gập cơ bụng 25 lần và chạy 3.000m trong thời gian 18 phút.
- Vòng 3: Phỏng vấn (đánh giá nguyện vọng cá nhân, kinh nghiệm thực tế, tác phong).
Nguyên tắc trúng tuyển: Những người đạt yêu cầu Vòng 1, Vòng 2 và đáp ứng yêu cầu của Vòng 3 sẽ được lựa chọn trúng tuyển.
4. Nguyên tắc thay đổi ngành dự thi
- Trường hợp ứng viên đăng ký dự thi ngành sản xuất chế tạo nhưng trượt ở vòng thi Toán nếu đáp ứng điều kiện tuyển chọn trong ngành xây dựng có nguyện vọng thực tập trong ngành xây dựng (nguyện vọng này đã được ứng viên xác nhận trong Đơn đăng ký dự tuyển từ khi làm Hồ sơ tham gia chương trình) thì sẽ được chuyển sang thi tuyển đối với ngành xây dựng ở các Vòng 2 và Vòng 3 tiếp theo.
- Người lao động thi trượt mà không có nguyện vọng chuyển đổi ngành dự thi hoặc không đủ điều kiện chuyển đổi ngành dự thi được đăng ký thi lại vào các đợt thi tuyển sau nếu có nguyện vọng.
5. Thời gian đào tạo: đào tạo tiếng Nhật và bồi dưỡng kiến thức cần thiết trước khi xuất cảnh 06 tháng tại Cơ sở đào tạo của Trung tâm Lao động ngoài nước ở Hà Nội.
6. Chi phí tham gia chương trình:
- Chi phí làm hộ chiếu, lệ phí visa, chi phí khám sức khỏe, tiền ăn, tiền KTX: người lao động đóng trực tiếp cho đơn vị cung cấp dịch vụ.
- Trung tâm Lao động ngoài nước thu các khoản: tiền quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước, học phí các khoá đào tạo dự bị, chính thức trước phái cử, ôn tập trước xuất cảnh và giáo dục định hướng.
Người lao động sẽ được nhận lại các khoản thu học phí và ký túc xá khóa đào tạo chính thức trước phái cử (tối đa 4 tháng) sau khi người lao động xuất cảnh sang Nhật Bản, Trung tâm Lao động ngoài nước nhận được kinh phí chi phí quản lý Chương trình từ phía IM Japan. Khoản tiền này sẽ được chuyển vào tài khoản của người lao động tại Việt Nam. Người lao động dừng chương trình giữa chừng sẽ không được nhận lại khoản kinh phí này.
Tổng chi phí để tham dự chương trình bao gồm cả khoản học phí và ký túc xá khóa đào tạo chính thức mà người lao động nhận lại sau khi xuất cảnh, dự kiến trong khoảng từ 28 - 38 triệu đồng.
Ngoài các khoản chi phí nêu trên, người lao động khi tham gia Chương trình này không phải nộp bất kỳ khoản chi phí nào khác.
7. Quyền lợi khi tham gia chương trình
a. Mức lương:
- Hưởng mức lương theo hợp đồng trong ngành SXCT từ 140.000 Yên – 170.000 Yên (khoảng 24-30 triệu đồng/tháng), mức lương này chưa khấu trừ tiền thuế, bảo hiểm, tiền thuê nhà và chưa bao gồm tiền làm thêm giờ và các phúc lợi khác.
- Hưởng mức lương theo hợp đồng trong ngành XD từ 150.000 Yên – 200.000 Yên (khoảng 26-35 triệu đồng/tháng), mức lương này chưa khấu trừ tiền thuế, bảo hiểm, tiền thuê nhà và chưa bao gồm tiền làm thêm giờ và các phúc lợi khác.
b. Các khoản được hỗ trợ từ Tổ chức IM Japan
- Tiền học phí, tiền ký túc xá trong thời gian tham gia khóa đào tạo chính thức 4 tháng trước phái cử (với những lao động xuất cảnh sang Nhật Bản tham gia thực tập kỹ thuật).
- Tiền vé máy bay.
- Sau khi hoàn thành chương trình thực tập, về nước đúng thời hạn sẽ được Tổ chức IM Japan hỗ trợ từ 600.000 Yên đối với thực tập sinh hoàn thành 3 năm thực tập đến 1.000.000 Yên đối với thực tập sinh hoàn thành 5 năm thực tập (tương đương từ 100 triệu đồng đến 170 triệu đồng) để khởi nghiệp; được nhận khoản tiền bảo hiểm hưu trí (khoảng 70 triệu đồng sau 3 năm thực tập).
c. Trung tâm Lao động ngoài nước và Tổ chức IM Japan sẽ hỗ trợ người lao động tìm kiếm việc làm sau khi hoàn thành chương trình về nước.
d. Chính sách hỗ trợ trong thi tuyển đối với đối tượng ưu tiên
Những người lao động thuộc đối tượng sau đây, nếu có kết quả môn thi Toán đạt từ 30 điểm trở lên sẽ được ưu tiên cộng điểm vào kết quả bài thi toán (những người thi môn Toán đạt kết quả dưới 30 điểm không được cộng điểm ưu tiên), cụ thể như sau:
- Người lao động là con thương binh, liệt sỹ, người có công: 20 điểm.
- Người lao động thuộc các huyện nghèo theo quy định tại Quyết định số 275/2018/QĐ-TTg ngày 17/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt danh sách các huyện nghèo và thoát nghèo giai đoạn 2018 - 2020: 20 điểm.
- Người lao động thuộc các huyện nghèo và dân tộc thiểu số của các tỉnh miền núi: 15 điểm; người lao động không thuộc đối tượng huyện nghèo hoặc dân tộc thiểu số của các tỉnh miền núi: 10 điểm.
- Người lao động thuộc hộ nghèo và dân tộc thiểu số của các tỉnh không phải là tỉnh miền núi: 10 điểm.
Nếu người lao động thuộc nhiều đối tượng ưu tiên chỉ được hưởng 01 chính sách hỗ trợ cao nhất trong thi tuyển.
8. Hồ sơ đăng ký dự tuyển
- Người lao động tự tải toàn bộ mẫu hồ sơ trên trang thông tin điện tử của Trung tâm Lao động ngoài nước www.colab.gov.vn tại Mục Tải biểu mẫu.
- Hồ sơ gồm các loại giấy tờ sau:
+ Đơn đăng ký dự thi, Sơ yếu lý lịch, Bản cam kết, Kết quả xét nghiệm Viêm gan B và Giang mai; Bản sao có chứng thực các giấy tờ sau: Giấy chứng minh nhân dân/CCCD, Bằng tốt nghiệp THPT hoặc tương đương trở lên.
+ Bản sao có chứng thực chứng nhận thuộc đối tượng gia đình chính sách, con thương binh, liệt sỹ; giấy chứng nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo, dân tộc thiểu số với đối tượng là người lao động đang cư trú tại các địa phương được hưởng chính sách hỗ trợ trong thi tuyển nêu trên (nếu có).
9. Cách thức nộp hồ sơ
- Người lao động hoàn thiện hồ sơ theo hướng dẫn và nộp hồ sơ thông qua 02 hình thức sau:
- Nộp trực tiếp tại Trung tâm Lao động ngoài nước hoặc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội/Trung tâm Dịch vụ việc làm các tỉnh/thành phố.
- Gửi Chuyển phát nhanh về Trung tâm Lao động ngoài nước (Số 1 Trịnh Hoài Đức, Đống Đa, Hà Nội hoặc Sở LĐTBXH/TTDVVL thuộc tỉnh).
10. Thông báo kết quả kiểm tra hồ sơ, thời gian, địa điểm thi tuyển và kết quả thi tuyển
Trung tâm Lao động ngoài nước sẽ thông báo kết quả kiểm tra hồ sơ, thời gian, địa điểm tổ chức thi tuyển và kết quả thi tuyển cho những người lao động theo các hình thức sau:
+ Nhắn tin trực tiếp vào số điện thoại của người lao động ghi trong hồ sơ.
+ Đăng tải thông tin trên website của Trung tâm Lao động ngoài nước tại địa chỉ: www.colab.gov.vn.
+ Thông báo cho Sở Lao động – Thương binh và Xã hội/Trung tâm dịch vụ việc làm các tỉnh/thành phố.
Lưu ý: Để đề phòng các trường hợp lừa đảo, thu tiền ngoài quy định người lao động tuyệt đối: không nhờ người khác nộp hộ hồ sơ đăng ký dự tuyển, không nộp hồ sơ cho các tổ chức, cá nhân trung gian, môi giới; không tham gia các lớp học ôn tập, tạo nguồn, không ký kết các hợp đồng tư vấn về chương trình có thu phí.
Trong quá trình hoàn thiện hồ sơ đăng ký dự tuyển, nếu có vấn đề cần tư vấn, người lao động liên hệ với Trung tâm Lao động ngoài nước, phòng Tuyển chọn lao động qua số điện thoại: 024. 73030199 (số máy lẻ 106 hoặc 116) hoặc đến trực tiếp trụ sở của Trung tâm Lao động ngoài nước (Địa chỉ: Số 1, Trịnh Hoài Đức, Đống Đa, Hà Nội) để được hướng dẫn.
Mời các bạn ứng viên có nhu cầu đi làm việc tại nước ngoài hãy đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu (Cơ sở Châu Đức, số 332 Hùng vương, Thị trấn Ngãi Giao, huyện Châu Đức) từ ngày 06/9/2024 đến hết ngày 13/9/2024 để được tư vấn miễn phí.
Hãy đến với Trung tâm DVVL để cập nhật những thông tin mới nhất về chương trình đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động và các lợi ích khi tham gia chương trình.
Liên hệ Ban Tổ chức qua số điện thoại:
- Cơ sở Vũng Tàu: 0254 3 859 975
- Cơ sở Châu Đức: 0254 3 961 828